Sán lá đơn chủ là một trong những vấn đề phổ biến mà người chăn nuôi thường phải đối mặt. Đây không chỉ là một vấn đề về sức khỏe của cá mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển và sản xuất trong ao nuôi. Cùng Cá Nước Ngọt tìm hiểu rõ hơn về sán lá đơn chủ, các biểu hiện và phương pháp điều trị là yếu tố then chốt để duy trì ao nuôi cá một cách hiệu quả.
Những loại bệnh sán lá đơn chủ phổ biến
Bệnh 16 móc – Dactylogyrosis
Dactylogyrus là loại ký sinh trùng chủ yếu ký sinh trên mang và da cá, tuy nhiên chúng thường tập trung chủ yếu trên mang. Khi ký sinh, chúng sử dụng móc từ đĩa hút để gắn vào các tuyến tạo ra men hialuronidaza, một enzym phá hủy tế bào của mang và da cá.
Điều này dẫn đến tình trạng tiết ra dịch nhầy nhiều, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cá. Mang và da bị viêm loét do Dactylogyrus ký sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm và các sinh vật xâm nhập khác gây bệnh sán lá đơn chủ trên cá
Có thể bạn quan tâm:
Trong một số trường hợp, Dactylogyrus không chỉ gây viêm nhiễm làm cho các tế bào sưng to mà còn làm phồng lên xương nắp mang. Cá khi bị nhiễm bệnh có thể bơi chậm chạp, cơ thể thiếu máu và trở nên gầy yếu.
Bệnh sán lá ở mang cá nước ngọt- Ancyrocephalosis
Các loài sán đơn chủ thuộc họ Ancyrocephalidae, có tính đặc hữu trong bộ Dactylogyridea, đã được ghi nhận với gần 40 loài thuộc 10 giống trong họ Ancyrophalidae ký sinh trên cá nước ngọt tại Việt Nam.
Các loài này thường xuất hiện ở các họ cá như: Notopteridae, Siluridae, Bagridae, Clariidae, Plotosidae, Pangasiidae, Anabantidae, Belontidae, Ophiocephalidae, Eleotridae, Cichlidae. Mức độ nhiễm của chúng khá cao, với tỷ lệ nhiễm từ 30-60%.
Tác động chủ yếu của sán đơn chủ thường diễn ra trong giai đoạn cá giống. Mùa xuất hiện bệnh thủy sản thường là vào mùa xuân và thu ở miền Bắc, và mùa mưa ở miền Nam.
Bệnh sán đơn chủ ruột đơn ở mang cá nước ngọt- Sundanonchosis
Trong quá trình điều tra ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự xuất hiện của 4 loài sán lá đơn chủ ruột đơn trong 2 loài cá lóc bông và cá rô biển. Mặc dù mức độ cảm nhiễm ban đầu không cao
Nhưng theo điều kiện nuôi, đặc biệt là khi lồng nuôi cá lóc bông với mật độ dày, sán lá mang ruột đơn đã gây ra những dịch bệnh nghiêm trọng, ví dụ như trường hợp xảy ra tại hồ Trị An, Đồng Nai vào năm 1993-1994, khi một số bè nuôi cá lóc bị tác động nặng nề. Thêm vào đó, Malaysia cũng ghi nhận thông tin về bệnhruột đơn (Lim và Furtado, 1985).
Bệnh sán lá ở mang cá biển
Ba giống Ancyrocephalus, Pseudorhabdosynochus thường tìm thấy ký sinh trên mang cỏ. Trong khi đó, giống Benedenia chủ yếu ký sinh trên da cá, và ngoài ra, chúng cũng có thể bám vào mắt và thân cá để hút máu. Mỗi con sán lá mang trên cá có thể hút khoảng 0,5 ml máu/ngày, dẫn đến các vấn đề như cá bị mù mắt, suy dinh dưỡng và yếu đuối.
Tại Việt Nam, đã ghi nhận khoảng 20 loài sán đơn chủ, bao gồm 4 giống Ancyrocephalus, Pseudorhabdosynochus, Haliotrema và Benedenia ký sinh trên cá song (mú). Đặc biệt, giống Benedenia đã gây ra nhiều trường hợp cá song nuôi bè chết ở Vịnh Hạ Long và Cát Bà.
Ở Đông Nam Á, các loại sán đơn chủ thường xuất hiện ký sinh trên một số cá nuôi trong lồng biển.
Bệnh sán đơn chủ đẻ con (18 móc)- Gyrodactylosis
Gyrodactylus, một loại sán ký sinh trên da và mang của cá, thường xuất hiện với số lượng lớn, khiến cho các tế bào nội ký sinh tiết ra một lớp dịch mỏng màu trắng bám trên da. Các dấu hiệu bệnh bệnh sán lá mang thường bao gồm cá ít hoạt động, hoặc di chuyển không bình thường.
Một số cá nằm ở đáy ao, trong khi có những con lại nổi lên mặt nước để đớp không khí, thậm chí mất khả năng vận động và bơi ngửa bụng. Sự tổn thương trên da tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và các sinh vật khác xâm nhập gây bệnh. Các con cá bị nhiễm Gyrodactylus thường có khả năng bắt mồi giảm, gặp khó khăn trong việc hô hấp, và trở nên yếu đuối.
Theo nghiên cứu của O.N Bayer năm 1977, cá không nhiễm bệnh Gyrodactylus thường có trọng lượng cơ thể khoảng 1,2 gram, trong khi đó cá bị nhiễm bệnh này chỉ nặng 0,5 gram. Đồng thời, hàm lượng bạch cầu tăng lên trong khi hàm lượng hồng cầu giảm.
Gyrodactylus thường ký sinh trên da của nhiều loài cá nước ngọt và biển, phân bố rộng rãi trong các vùng nước. Ở Việt Nam, có một số loài thường gặp như Gyrodactylus maculatus, G. fusci, G. medius và G. ctenophryngodonis. Trong môi trường nước của chúng ta, cá nuôi thường bị nhiễm sán lá đơn chủ với tỷ lệ và cường độ cao, đã gây ra nhiều trường hợp chết cá trê, cá bống tượng, rô phi, lóc bông trong các bể nuôi.
Phương pháp phòng trị
Để chuẩn bị cho quá trình thả cá xuống ao ương và nuôi, việc tẩy dọn ao là bước quan trọng đầu tiên. Loại bỏ trứng và ấu trùng sán lá 16 móc là điều cần thiết để đảm bảo môi trường ao nuôi tốt nhất có thể.
Đồng thời, việc thả cá cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc nhất định: không nên thả cá với số lượng quá đông, cần theo dõi chặt chẽ chế độ ăn và điều kiện môi trường ao nuôi để điều chỉnh phù hợp.
Đối với cá giống trước khi thả vào ao, có thể sử dụng một số phương pháp để tạo điều kiện tốt nhất cho chúng. Sử dụng KMnO4 với nồng độ 20 ppm để tắm cá trong khoảng thời gian 15-30 phút hoặc sử dụng NaCl với nồng độ 3% và thời gian tắm 5 phút.
Nếu nhiệt độ môi trường trên 25°C, cần giảm nồng độ NaCl xuống còn 2%. Hoặc có thể sử dụng Formalin với nồng độ 100-200ppm và thời gian tắm khoảng 30-60 phút. Đặc biệt, khi tắm cá bằng Formalin, cần đảm bảo có sự cung cấp đủ oxy cho cá bằng cách sử dụng sục khí.
Ngoài ra, có thể dùng Ammonium hydroxide (NH4OH) với nồng độ 10% tắm cá với thời gian 1-2 phút, có tác dụng hỗ trợ trong việc điều trị bệnh. Hoặc phun Formalin với nồng độ 10-20ppm vào ao nuôi để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh sán lá đơn chủ cho cá.